Cảm cúm có lây không? Nhận biết ngay để phòng ngừa kịp thời

Bài viết có: 0 từ - thời gian đọc: 0 phút
14/05/2025 - 15 Lượt xem
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dược sĩ: Nguyễn Thúy Quỳnh Như

Chịu trách nhiệm về nội dung

Dược sĩ: Nguyễn Thúy Quỳnh Như

Dược sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh Như hiện đang là chuyên viên tư vấn sử dụng thuốc tại nhà thuốc Pharmart.vn 212 Nguyễn Thiện Thuật.

Cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm tương đối phổ biến ở nước ta, theo thống kê của Cục y tế dự phòng, hàng năm Việt Nam trung bình có khoảng trên 800.000 người mắc cúm mỗi năm và hầu hết mỗi người đều gặp phải ít nhất một lần trong đời. Vậy cảm cúm có lây không? Cảm cúm lây qua đường nào? Mời bạn tham khảo bài viết sau.

Cảm cúm có lây không?

Cảm cúm là một trong những bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan bởi tốc độ phát triển và phát tán nhanh của virus cúm trong môi trường. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, virus cúm chỉ mất 5-6 giờ đồng hồ để sinh sôi phát triển thành một cá thể virus cúm mới.

Sau khi phát tán theo dịch tiết hô hấp ra ngoài môi trường, virus cúm có thể tồn tại trong không khí và trên bề mặt đồ vật trong gia đình, nơi làm việc trong nhiều giờ. Chính vì sự tồn tại của virus cúm trong môi trường bên ngoài khá lâu nên khả năng lây nhiễm của chúng tương đối cao.

Sau khi nhiễm virus cúm từ 1-4 ngày, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng cảm cúm điển hình như: sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi…Ngay cả khi đã cảm thấy khỏe hơn, người bệnh vẫn có thể lây nhiễm cho người khác…

Cảm cúm có thể lây nhanh cho mọi người xung quanh

Cảm cúm có thể lây nhanh cho mọi người xung quanh

 

Cảm cúm lây qua những con đường nào?

Được xếp vào danh sách các bệnh truyền nhiễm phổ biến mà nhiều người mắc phải, liệu rằng cảm cúm có dễ lây không? Cảm cúm lây qua đường nào? Dưới đây là một số con đường lây nhiễm điển hình của cảm cúm.

Lây qua đường hô hấp (Giọt bắn)

Đây là con đường lây lan phổ biến nhất của cảm cúm. Đối với những người bệnh nhiễm cúm, virus cúm đã có sẵn trong dịch tiết hô hấp (mũi, họng) của người bệnh. 

Khi người bệnh hắt hơi, ho, nói chuyện, virus cúm sẽ theo các giọt bắn li ti từ dịch tiết hô hấp khuếch tán ra môi trường, lơ lửng trong không khí. Nếu những người khỏe mạnh hít phải những giọt bắn chứa virus cúm, virus cúm có khả năng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. 

Đối với những trường hợp lây nhiễm cúm qua đường hô hấp, thời tiết là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lây nhiễm virus cúm. Khi độ ẩm không khí càng cao thì nguy cơ lây nhiễm virus cúm qua đường hô hấp lại càng lớn.

 

Lây qua tiếp xúc trực tiếp

Cảm cúm cũng có thể lây khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, chẳng hạn như bắt tay, ôm, hôn những người đang bị cảm cúm.Virus cúm từ người bệnh có thể xâm nhập và gây bệnh cho những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

 

Lây qua bề mặt vật dụng

Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, những giọt bắn chứa virus từ họ có thể rơi trực tiếp và bám vào các bề mặt xung quanh như bàn ghế, đồ dùng. Ngoài ra, trên thực tế thường có một số người bệnh có thói quen dùng tay che miệng khi ho, những giọt bắn sẽ theo tay người bệnh chạm sang đồ dùng, thậm chí là tay nắm cửa.

Trong trường hợp người khỏe mạnh chạm vào bề mặt nhiễm virus, sau đó đưa tay lên mặt (đặc biệt là vùng mắt, mũi, miệng), virus có thể xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Bên cạnh đó, việc dùng chung đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, khăn mặt, điện thoại cũng là những con đường dễ dàng khiến virus lây từ người sang người. 

Có một điểm cần lưu ý, virus cúm có thể tồn tại trên bề mặt đồ vật trong một khoảng thời gian nhất định, từ vài phút đến vài giờ, tùy thuộc vào loại bề mặt và điều kiện môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây nhiễm virus cúm qua bề mặt vật dụng.

 

Lây qua mắt, mũi, miệng

Những giọt bắt mang theo virus cúm được phát tán lơ lửng trong không khí, tồn tại vài giờ đồng hồ và có thể rơi trực tiếp vào mắt, mũi, miệng của những người lành xung quanh. Đôi khi tay của những người lành vô tình chạm phải những giọt bắn có chứa virus cúm, khi họ đưa tay lên mắt, mũi, miệng, vô tình virus cúm cũng sẽ xâm nhập qua những con đường trên, vào cơ thể và gây bệnh.

Cảm cúm thường lây lan qua 4 con đường chính

Cảm cúm thường lây lan qua 4 con đường chính

 

Thời gian lây nhiễm của cảm cúm

Thời gian ủ bệnh của cảm cúm thường kéo dài từ 1 đến 4 ngày, trung bình là 2 ngày. Trong giai đoạn này, mặc dù chưa xuất hiện triệu chứng rõ ràng, người nhiễm virus vẫn có thể lây bệnh cho người khác. 

Sau thời gian ủ bệnh, người bệnh bắt đầu biểu hiện các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ thể, mệt mỏi và sổ mũi. Khả năng lây lan mạnh nhất xảy ra trong khoảng 3 đến 4 ngày đầu tiên kể từ ngày biểu hiện các triệu chứng này. Sau đó, khi các triệu chứng dần thuyên giảm, mức độ lây nhiễm virus cúm cũng giảm theo. 

Vậy bị cúm bao lâu thì hết lây? Mặc dù các triệu chứng cảm cúm đã thuyên giảm, tuy nhiên vẫn tồn tại một nguy cơ nhất định cho đến khi virus cúm hoàn toàn bị đào thải khỏi cơ thể, khoảng thời gian này có thể kéo dài đến vài tuần tuỳ cơ địa bệnh nhân.

Với trường hợp người mắc các chứng suy giảm miễn dịch hoặc trẻ em thì thời gian lây nhiễm sẽ kéo dài hơn.

 

Ai có nguy cơ cao bị lây nhiễm cảm cúm?

Trên thực thế tất cả mọi người khi tiếp xúc với người bệnh cảm cúm đều có nguy cơ lây nhiễm cảm cúm từ người bệnh. Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị lây nhiễm cảm cúm hơn bao gồm:

  • Trẻ em: đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, hoặc trẻ em có các bệnh lý nền gây suy giảm chức năng hệ miễn dịch như suy dinh dưỡng protein năng lượng, cấy ghép nội tạng, ung thư…

  • Người già: từ 65 tuổi trở lên, hệ miễn dịch bắt đầu suy giảm chức năng, đây là nguyên nhân chính dẫn đến khả năng lây nhiễm cúm cao ở người cao tuổi, đặc biệt tỉ lệ này tăng ở những nhóm người cao tuổi có bệnh lý nền như ung thư, đái tháo đường…

  • Phụ nữ mang thai và cho con bú: trong quá trình mang thai và cho con bú, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, hệ miễn dịch yếu hơn, rất dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm, điển hình là cúm.

  • Người bị suy giảm miễn dịch: ở những bệnh nhân mắc phải hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS), ung thư, đái tháo đường…. hệ miễn dịch yếu hơn rất nhiều so với những người khoẻ mạnh

Nếu trong gia đình có người bị cúm, các thành viên còn lại, đặc biệt là những đối tượng nhạy cảm nêu trên cần lưu ý thực hiện các biện pháp phòng tránh, hạn chế tiếp xúc gần để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho gia đình.

Phụ nữ mang thai và trẻ em là những đối tượng có nguy cơ mắc cúm cao

Phụ nữ mang thai và trẻ em là những đối tượng có nguy cơ mắc cúm cao

 

Cách phòng ngừa cảm cúm hiệu quả

Để phòng ngừa cảm cúm một cách hiệu quả, đòi hỏi chúng ta kết hợp nhiều biện pháp để tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ lây nhiễm. Dưới đây là một số biện pháp điển hình:

Tiêm phòng vắc-xin

Tiêm vắc-xin cúm hàng năm là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa nhiễm cúm. 

  • Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên được phép tiêm vắc-xin phòng cúm.
  • Từ 6 tháng tuổi đến trước 9 tuổi lần đầu tiêm sẽ được tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng, sau đó nhắc lại hằng năm.
  • Trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn sẽ tiêm phòng cúm mỗi năm 1 lần. 

 

Giữ vệ sinh cá nhân

Để phòng ngừa mắc cúm, nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt sau khi tiếp xúc với những người đang mắc cúm. Lưu ý thoa đều, làm sạch tất cả các vùng trên tay để tránh sự tồn tại của virus cúm.

Tránh chạm tay vào mặt, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Hạn chế cầm, nắm, dùng chung những đồ dùng với bệnh nhân mắc cúm. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ đồ dùng của bệnh nhân mắc cúm để hạn chế khả năng lưu trú của virus cúm trên đồ dùng.

 

Tăng cường miễn dịch

Hệ miễn dịch được xem là hàng rào bảo vệ, chống lại sự xâm nhập và gây bệnh của virus cúm đối với cơ thể. Để hạn chế khả năng mắc cúm, chúng ta cần lưu ý áp dụng các biện pháp tăng cường hệ miễn dịch:

  • Ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều rau củ, trái cây giàu chứa các chất giúp tăng cường miễn dịch như vitamin C.

  • Uống đủ nước, hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích.

  • Ngủ đủ giấc (7-8 tiếng/ngày) để cơ thể có thời gian hồi phục.

  • Tập thể dục hằng ngày để tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch.

 

Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh

Để hạn chế khả năng lây nhiễm cúm nên tránh tụ tập những nơi đông người, đặc biệt trong thời điểm có cảnh báo bùng phát dịch cúm. Nếu tiếp xúc với người bệnh, hoặc tham gia những nơi đông người trong mùa dịch, cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc phù hợp, rửa tay bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm cúm.

 

Giữ môi trường sống sạch sẽ

Nên giữ môi trường sống sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh các vật dụng và đồ dùng hay tiếp xúc, mở cửa sổ để không khí lưu thông, tránh môi trường ẩm thấp tạo điều kiện cho virus tồn tại.

 

Nên xử lý thế nào khi bị cảm cúm?

Đối với những trường hợp có các triệu chứng cảm cúm nhẹ, để nhanh hồi phục sức khỏe, người bệnh cần lưu ý:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Hạn chế vận động, ngủ đủ giấc giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.

  • Uống nhiều nước: Nước ấm, trà gừng, nước chanh mật ong giúp làm dịu cổ họng và bổ sung lượng nước đã mất do sốt.

  • Bổ sung dinh dưỡng: Ăn các thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng như cháo, súp, rau xanh, ăn bổ sung hoa quả giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng..

  • Súc miệng nước muối: Giúp làm sạch họng, hạn chế vi khuẩn và virus phát triển.

  • Dùng thuốc: Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau như paracetamol nếu bị sốt hoặc đau nhức. Bổ sung điện giải bằng oresol trong các trường hợp sốt kéo dài gây mất nước và điện giải.

Trong trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng nặng, diễn biến nghiêm trọng sẽ xuất hiện các biểu hiện:

  • Sốt cao trên 39°C kéo dài hơn 2 ngày, không giảm khi dùng thuốc hạ sốt.

  • Khó thở, hụt hơi, tức ngực.

  • Mệt mỏi, lừ đừ, ý thức chậm chạp.

  • Ho kéo dài, có đờm xanh/vàng hoặc lẫn máu.

  • Đau đầu dữ dội, cứng cổ hoặc xuất hiện phát ban.

  • Buồn nôn, nôn nhiều, không ăn uống được.

Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, hãy đến bệnh viện ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Đặc biệt, người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền (tim mạch, tiểu đường, suy giảm miễn dịch) cần thận trọng hơn vì dễ có những biến chứng nguy hiểm.

Trên đây là toàn bộ giải đáp cho thắc mắc của nhiều người “Cảm cúm có lây không?” Hy vọng với những thông tin mà bài biết cung cấp sẽ giúp cho bạn đọc có thêm thông tin về bệnh, cũng như chuẩn bị tốt phương án để bảo vệ bản thân và gia đình.

 

 

Pharmart cam kết
  • Vận chuyển toàn quốc
  • Hỗ trợ đổi trả trong vòng 30 ngày
  • Sản phẩm chính hãng 100%
Sale Support HN/HCM: (024/028) 7779 6505

Các tin liên quan